Ngày đăng: 16:46:20 12-11-2014-- Lượt xem: 11028.
Kích cỡ chữ: Giảm - Tăng

Tư tưởng Thiền Kasina trong Kinh A Di Đà

Tư tưởng Thiền Kasina trong Kinh A Di Đà Trong Phật giáo Nguyên thủy có Những phương pháp tu Thiền Kasina. Vậy chúng là gì? Chăm chú ánh sáng vô lượng cho đến khi định tĩnh, giải thoát. Thiền kasina là một loại Thiền Chỉ (được biết theo những tên gọi khác nhau như Samatha, dhyana, jhana), được nhằm làm ổn định tâm thức của hành giả và tạo ra một nền tảng cho sự thực tập xa hơn trong thiền.
Cùng chuyên mục:
>> Sự cảm ứng và thành tựu khi chuyên trì niệm Phật
>> Thế giới Hoa Nghiêm và hiệu ứng Con Bướm
>> Trẻ Ra Già Chậm, Nhờ Thiền (Meditation may slow aging)

----------
TT. Thích Tâm Đức
Hiện nay phong trào Niệm danh hiệu A Di Đà Phật trong giới Phật giáo đang ngày tràn lan nhằm giúp người niệm sau khi chết được vãng sanh vào Thế giới Phương tây Cực lạc của Phật A Di Đà, hay nói cách khác Cầu nguyện Tha lực (A Di Đà Phật) cứu linh hồn mình vào thế giới của Ngài sau khi chết. Vậy, ý nghĩa của Niệm Phật A Di Đà ấy như thế nào? Tự lực (sức mạnh của mình) là chính hay Tha lực (sức mạnh của người khác) là chính? Mình đang tu cái Nhân hay tu cái Quả? Cảnh giới Cực lạc ấy ở đâu?

Về mặt lịch sử, Phật giáo trải qua 3 giai đoạn chính: 1) Phật giáo Nguyên thủy (Theravada – Từ Phật Thích Ca đến khoảng 100 năm sau khi Ngài nhập diệt, vào khoảng Đại hội kiết tập kinh điển lần thứ hai), 2) Phật giáo Bộ phái hay Tiểu thừa (Hinayana – Từ Đại hội kiết tập kinh điển lần thứ hai trở đi), và 3) Phật giáo Đại thừa (Mahayana – Từ khoảng Thế kỷ I Công nguyên trở đi).

Theo GS. Kimura Taiken (Nhật Bản)[i], tư tưởng Đại thừa đã nảy mầm từ Nguyên thủy Phật giáo[ii], bất luận kinh điển nào cũng đều lấy hiện thế làm trung tâm, hoặc lấy hiện thế làm điểm xuất phát[iii]. Đức Phật Thích Ca cũng đã nói rằng, Pháp của ta là thiết thực hiện tại, đến để mà thấy, đến để chứng... Cho thấy, để hiểu rõ được ý nghĩa Niệm Phật trong kinh A Di Đà (thuộc Phật giáo Đại thừa) chúng ta cần phải tham khảo những pháp tu liên hệ, tương tự bên Phật giáo Nguyên thủy (kinh tạng Pali).

Trong Phật giáo Nguyên thủy có Những phương pháp tu Thiền Kasiṇa. Vậy chúng là gì?
Kasiṇa là những Vật được dùng làm đối tượng thiền quán. Có 10 loại đối tượng được đề cập trong Kinh tạng Pali[iv]:
  1. Đất (paṭhavī kasiṇa),
  2. Nước (āpo kasiṇa),
  3. Lửa (tejo kasiṇa),
  4. Không khí, gió (vāyo kasiṇa),
  5. Màu xanh dương, xanh lá cây (nīla kasiṇa),
  6. Màu vàng (pīta kasiṇa),
  7. Màu đỏ (lohita kasiṇa),
  8. Màu trắng (odāta kasiṇa),
  9. Lỗ hổng (ākāsa kasiṇa),
  10. Ánh sáng (āloka kasiṇa).
Những kasiṇa này là những dĩa được tô màu có thuộc tính, kích thước khác nhau. Chẳng hạn, kasiṇa làm bằng đất sét màu nâu được làm bằng cách trét đất hay đất sét (hay một thứ khác có màu và chất liệu tương tự) trên một miếng vải bạt hay vật liệu khác.

Thiền kasiṇa là một loại Thiền Chỉ (được biết theo những tên gọi khác nhau như Samatha, dhyana, jhana), được nhằm làm ổn định tâm thức của hành giả và tạo ra một nền tảng cho sự thực tập xa hơn trong thiền. Trong những giai đoạn đầu của thiền kasiṇa, một đối tượng vật chất được sử dụng làm đối tượng thiền, được chú tâm bởi hành giả cho đến hình ảnh thị giác của những hình thức đối tượng trong tâm của hành giả. Trong những cấp độ cao hơn của Thiền kasiṇa chỉ một tâm ảnh kasiṇa được dùng làm đối tượng thiền. Khác với hơi thở, truyền thống Phật giáo chỉ ra rằng một số đối tượng kasiṇa không thích hợp cho những cấp độ cao hơn của thiền, cũng như không thích hợp cho Thiền Quán (Vipassana).

Mười kasiṇa trên là một phần của 40 kammatthana: những đối tượng thiền. Chúng được Buddhaghosa mô tả chi tiết trong phần thiền của Visuddhimagga (Thanh tịnh đạo luận).[v] Một khảo sát những kỹ thuật thiền ở Anh Quốc cho thấy rằng, có khoảng 3% cho thiền kasiṇa vật chất thôi nhưng đến 15% nếu bao gồm cả những người thực hành thiền kasiṇa “Siêu thế” như thiền Dhammakaya (Pháp thần) trong tổng số thiền giả.[vi]

Đối tượng thiền kasiṇa có đường kính bằng 1 gang tay của hành giả + 2cm và đặt cách xa mắt từ 40cm đến 60cm.
Mặc dầu hành thiền kasiṇa có liên hệ với truyền thống Theravada (Nam tông) nhưng dường như nó cũng được biết nhiều trong nhiều trường phái khác nhau ở Ấn Độ một thời kỳ. Asanga[vii] (Vô Trước) có đề cập kasiṇa trong chương Samāhitabhūmi (Tĩnh tâm và thấy sự vật như thật) trong quyển Yogācārabhūmi (Du già sư địa luận) của ông ta[viii].

Tiếp theo, chúng ta thầy gì trong Kinh A Di Đà?
Trong Kinh A Di Đà có một đoạn rất quan trọng như sau:
“Xá Lợi Phất, nhược hữu thiện nam tử, thiện nữ nhân văn thuyết A Di Đà Phật, chấp trì danh hiệu. Nhược nhất nhật, nhược nhị nhật, nhược tam nhật, nhược tứ nhật, nhược ngũ nhật, nhược lục nhật, nhược thất nhật Nhất tâm bất loạn; Kỳ nhân lâm mạng chung thời A Di Đà Phật dữ chư thánh chúng hiện tại kỳ tiền thị nhân chung thời tức đắc vãng sanh A Di Đà Phật cực lạc quốc độ”.
Tạm dịch:
“Này Xá Lợi Phất, nếu có thiện nam tín nữ nào nghe nói A Di Đà Phật rồi Chấp trì danh hiệu ấy, cho đến một ngày, hai ngày, ba ngày, bốn ngày, năm ngày, sáu ngày, cho đến bảy ngày mà Nhất tâm bất loạn thì người ấy khi chết Đức Phật A Di Đà cùng các thánh tăng hiện ra trước người ấy và người ấy liền được sanh vào cảnh giới cực lạc của Ngài”.
Phân tích đoạn kinh trên, ta thấy có hai phần: Nhân = Này Xá Lợi Phất...Nhất tâm bất loạn; Quả = thì người ấy...được sanh vào cảnh giới cực lạc của Ngài.
Phân tích Nhân: Chấp trì danh hiệu A Di Đà Phật liên tục cho đến Nhất tâm bất loạn thì đây chính là Thiền. Vì sao? Vì Chấp trì = Kiên trì hay Chăm chú (đến một đối tượng và đối tượng ở đây là Danh hiệu A Di Đà Phật); Danh hiệu A Di Đà Phật trong chữ Phạn là Amitābha (nghĩa là Vô lượng quang hay Vô lượng ánh sáng). Như vậy Chấp trì danh hiệu A Di Đà Phật = Chăm chú đến Vô lượng ánh sáng = Thiền trên đối tượng Ánh sáng (āloka kasiṇa) cho đến chuyên chú không loạn động.

Phân tích Quả: Cảnh giới cực lạc của Phật A Di Đà chỉ là một biểu tượng không thể chỉ bày được[ix]. Vì ngay trong Kinh A Di Đà cho biết ngoài Phật A Di Đà còn có vô số các Đức Phật khác: Phương Đông có A Súc Bệ Phật và vô số Đức Phật khác; Phương Nam có Nhật Nguyệt Đăng Phật và vô số Đức Phật khác; Phương Nam có Vô Lượng Quang Phật (=Amitābha = A Di Đà Phật) và vô số Đức Phật khác; Phương Bắc có Diệm Kiến Phật và vô số Đức Phật khác. Phật đâu mà nhiều thế! Sô lượng Phật nhiều vô số như vậy là để khích lệ chúng sanh tu tập. Trong Kinh Pháp Hoa cũng ám chỉ ý này: Sau khi Phật diệt độ, những người cúng dường tháp miếu; nhóm cát thành tháp, tượng; vẽ; ca; ngâm khen; lễ lạy; chấp tay; cúi đầu; một tiếng xưng Nam mô Phật đều đã thành Phật đạo[x].

Vậy thì Chỉ có một cảnh giới giải thoát hay có nhiều cảnh giới giải thoát? – Cứu cánh giải thoát chỉ có Một, dành cho người: không tham, không sân, không si, không ái, không chấp thủ, có trí tuệ, không thuận ứng – không nghịch ứng và không ưa thích hí luận.[xi] Và một vị đã giải thoát thì không để lại dấu vết[xii]. Và cảnh giới giải thoát (hay cảnh giới của một vị Phật) hiện đang ở đâu? – Không thể chỉ được (ví như ngọn lửa cháy khi cạn hết dầu ngọn lửa tắt, vậy nó đi đâu?)[xiii]!

Về mối quan hệ giữa người chết với sự hộ niệm hay cầu nguyện thì như thê nào? Ta có thể nghe lời Phật Thích Ca như sau:
“Người chết đi đâu? Do nghiệp hay do cầu nguyện? - Người sát sanh, trộm cắp, tà dâm, tham, sân, tà kiến sau khi chết dù có đám đông cầu nguyện mong cho sinh lên Thiên giới vẫn bị sanh vào Địa ngục.[xiv]
Đức Phật Thích Ca còn minh họa bằng hình ảnh về tác dụng của nghiệp thiện – ác qua ví dụ chiếc lá và hòn sỏi khi được ném xuống nước. Lá nhẹ cho dù có người cầu nguyện cho nó chìm xuống nhưng nó vẫn nổi. Ngược lại, hòn đá nặng chìm xuống nước cho dù có người cầu nguyện cho nó nổi lên nhưng nó vẫn chìm. Tuy nhiên, Ngài cũng chỉ ra Con đường giải thoát cho những người làm ác, bất thiện bằng cách Tự họ phải nỗ lực làm điều thiện nhiều thì vẫn có thể được sanh vào cảnh giới an lành[xv].

Đức Phật Thích Ca chỉ dạy các đệ tử phải luôn chú ý sống với (cái nhân) hiện tại và sau đây chỉ là một vài pháp môn tu tập đó:
  • Hộ trì 6 giác quan: Khi mắt thấy sắc, tai nghe tiếng, mũi ngửi hương, lưỡi nếm vị, thân xúc chạm, ý nhớ tưởng thì không được nắm giữ tướng chung, tướng riêng, những nguyên nhân gì vì nhãn căn không được chế ngự, khiến tham ái, ưu, bi, các ác, bất thiện pháp khởi lên vị ấy tự chế ngự nguyên nhân ấy, hộ trì nhãn căn...[xvi]. Phật tử Miến Điện vận dụng lời dạy này là khi mắt thấy sắc đẹp hay xấu thì liền nói Thấy à! Có nghĩa là Dừng lại cái thấy, đừng để đầu óc cảm xúc, suy diễn từ sự thấy ấy...Tương tự Nghe à, Ngữi à...Buồn à, giận à....
  • Chánh niệm – tĩnh giác: Vị ấy khi đi tới, khi đi lui đều tĩnh giác. Khi nhìn thẳng, khi nhìn quanh đều tĩnh giác...Khi đi, đứng, ngồi, nằm, thức, nói, im lặng đều tĩnh giác[xvii].
  • Chú tâm cảnh giác: Sau khi đi khất thực về và ăn xong, vị ấy ngồi kiết già, lưng thẳng, và an trú chánh niệm trước mặt .....[xviii].
  • Chú tâm vào hiện tại mà buông xả (Kinh Nhất dạ hiền giả)[xix]:
“Quá khứ không truy tìm,
Tương lai không ước vọng,
Quá khư đã đoạn tận,
Tương lai lại chưa đến,
Chỉ có pháp hiện tại,
Tuệ quán chính ở đây,
Không động không rung chuyển,
Hôm nay nhiệt tâm làm,
Ai biết chết ngày mai,
Không ai điều đình được,
Với đại quân thần chết,
Trú như vậy nhiệt tâm,
Đêm ngày không mỏi mệt,
Xứng gọi Nhất dạ hiền.”


Đức Phật Thích Ca cảnh giác người học Phật rằng, ví như một đoàn người mù, người đi đầu mù và những người kế tiếp nối đuôi nhau cũng mù.
Các vị Tổ (thuộc Đại thừa Phật giáo) cũng cảnh giác người học Phật rằng, y kinh diễn nghĩa tam thế Phật oan, ly kinh nhất tự đồng ma thuyết. Như vậy, có những lúc mình phải hiểu kinh theo nghĩa bóng; nếu không sẽ sai lầm, dẫn đến mê tín, hoang tưởng. Ví dụ: Trong Kinh Pháp Hoa, Bồ tát Nhất Thiết Chúng Sanh Hỷ Kiến sau khi nghe Đức Phật Nhật Nguyệt Tịnh Minh Đức thuyết pháp xong đã tự đốt thân mình để cúng dường Đức Phật, sau đó được sanh về cõi Phật đó![xx] Và trong thực tế đã có những người bắt chước vị Bồ tát ấy rồi tự đốt mình để được vãng sanh về cảnh giới Phật! Nhưng ý của Kinh là Đốt thân có nghĩa là Phá trừ chấp ngã; Chúng sanh vì chấp ngã mà phát sanh tham, sân, si làm hại mình, hại người.

NHẬN XÉT:
  1. Hãy nắm ý và quên lời, cái ý mới là quan trọng. Niệm Phật trên mặt lời nói, âm thanh hoàn toàn khác với ý nghĩa, quán tưởng. Cái nghĩa của A Di Đà Phật là Vô lượng Quang (Amitābha), nhờ sự chú tâm vào Ánh sáng vô lượng này mà dần dần được định tĩnh và giải thoát (biểu tượng là Cảnh giới phương Tây Cực lạc).
  2. Nhân nào thì tự động cho ra Quả ấy, không cần phải hộ niệm. Và phải chú ý cái Nhân tu tập hiện tại khi chúng ta đang còn sống mới quan trọng. Đó là Thiền hay các pháp môn dẫn đến sự Nhất tâm!
  3. Nếu Niệm Phật hay Hộ niệm cho người chết được vãng sanh, vốn đã không đúng với lời Đức Phật Thích Ca dạy mà vô tình, trên một góc độ, khuyến khích người ta làm ác khi đang còn sống vì khi đang còn sống họ sung sướng trên sự đau khổ của người khác và khi chết họ có nhiều tiền của bất nghĩa để thuê mướn nhiều người hộ niệm cho họ rồi họ cũng sẽ sung sướng tiếp sau khi chết!
  4. Người thường tác ý nhiều về cái gì thì thường có khuynh hướng về cái đó. Mình đang sống (là cái nhân hiện tại, không chịu lo tu tập cho đúng Nhất tâm bất loạn) mà cứ nghĩ đến cái chết (là cái quả, vãng sanh về thế giới ảo) thì chắc chắn là lạc đường, dẫn đến kết quả khổ đau! Vào thời Đức Phật có những vị tỷ kheo do quán sát tử thi nhiều và đã dẫn đến việc tự sát. Do vậy, ta cần tĩnh giác nhằm tránh hậu quả như vậy hoặc tương tự.
 
Phật tử chúng ta may mắn được sanh ra làm người, may mắn được gặp Phật (được đến chùa), nay cần thiết phải hiểu Phật pháp cho đúng. Có vậy mới giúp chúng ta đi hay tu tập đúng hướng theo lộ trình Phật chế: Giới – Định – Tuệ - Giải thoát – Giải thoát tri kiến.
Và nhớ là Cuộc đời con người rất ngắn ngủi!
 

[i] Tác giả 3 quyển sách: Nguyên thủy Phật giáo Tư tưởng luận, Tiểu thừa Phật giáo Tư tưởng luận, Đại thừa Phật giáo Tư tưởng luận.
[ii] Kimura Taiken, Đại thừa Phật giáo Tư tưởng luận, dg. Thích Quảng Độ,..
[iii] Ibid., tr. 82
[iv] Anguttara Nikaya V, 36; Majjhima Nikaya II, 14; Digha Nikaya, III, 286...
[v]  Vism. 110, 117-169, 374.
[vi] Kruawan Sookcharoen (1998) Meditation: A Therapeutic Tool For Managing Stress, unpublished M.Sc. Nursing Studies thesis (King’s College, London). 3% for kasiṇa alone, 15% if those practising the aloka kasiṇa practice ofDhammakaya meditation are included.
[vii] Một luận sư Phật giáo Đại thừa.
[viii] Buddhist Insight: Essays by Alex Wayman. Motilal Banarsidass: 1984 ISBN 0-89581-041-7 pg 76.
[ix] Phẩm Hóa Thành Dụ trong Kinh Pháp Hoa cũng ám chỉ ý nghĩa này: Thành hiện giữa rừng cho đoàn tìm kho báu chỉ hóa hiện, tạm cho đoàn bớt mõi mệt dẫn đến bỏ cuộc, còn kho báu thật (chỉ cho cảnh giới giải thoát) thì sắp đến, chứ không nói rõ ở đâu!
[x] Thích Thanh Từ, Kinh Diệu Pháp Liên Hoa Giảng Giải, Thành hội Phật giáo Tp. HCM, 1993, tr. 115 – 119.
[xi] Trung Bộ Kinh (Majjhima Nikaya), I, “Sư tử hống tiểu kinh”, dg. Thích Minh Châu, Tu thư Đại học Vạn Hạnh, 1973, tr. 64A -64B.
[xii] Trung Bộ Kinh (Majjhima Nikaya), I, “Kinh Xà Dụ”, dg. Thích Minh Châu, Tu thư Đại học Vạn Hạnh, 1973, tr. 140.
[xiii] Kinh Mi Tiên Vấn Đáp (Milindapañha), dg. Hòa thượng Giới Nghiêm, NXB Tôn giáo, 2003, tr. 223.
[xiv] Tương ưng bộ kinh, IV, dg Thích Minh Châu, NXB Tôn giáo – Hà Nội, 2001, tr. 389-390.
[xv] Trung Bộ Kinh (Majjhima Nikaya), III, “Kinh Đại nghiệp Phân biệt”, dg. Thích Minh Châu, Tu thư Đại học Vạn Hạnh, 1975, tr. 407 – 419.
[xvi] Trung Bộ Kinh (Majjhima Nikaya), I, dg. Thích Minh Châu, Tu thư Đại học Vạn Hạnh, 1973, tr. 269.
[xvii] Ibid.
[xviii] Ibid, 269A – 269B.
[xix] Trung Bộ Kinh (Majjhima Nikaya), III, dg. Thích Minh Châu, Tu thư Đại học Vạn Hạnh, 1975, tr. 373 – 377.
[xx] Thích Thanh Từ, Kinh Diệu Pháp Liên Hoa Giảng Giải, Thành hội Phật giáo Tp. Hồ Chí Minh, 1993, tr. 650 -654
---o0o---
Sau đây là một vài hình ảnh về Thiền kasiṇa

 
   
       
 
      
 
Thông tin Phật giáo
Liên hệ Phật giáo
Thống Kê Truy Cập
Flag Counter

thongke909069
Tổng số lần truy cập : 909069
Số lần truy cập hôm nay : 70
Số lần truy cập hôm qua : 326
Số lần truy cập tháng này : 1843
Số lần truy cập năm nay : 21474
Số trang xem hôm nay : 229
Tổng số trang được xem : 13680328
Người đang online : 5
thiết kế website tại buôn ma thuột
Copyright © 2014 Bản quyền thuộc về Vô Lượng Công Đức. Có tích hợp giao diện cho mobile