Chữ VẠN trong Phật giáo: Xuất xứ, ý nghĩa và cách viết

>> Câu đối thờ Phật
>> Lịch sử và ý nghĩa về Chuông trống Bát nhã
>> Einstein - Khi Khoa Học Nhìn Thấy Đức Phật
------------
Hỏi: Cách viết hình tượng chữ VẠN (卐) hay (卍) bên Phật giáo, tôi có tra trong các từ điển chữ Hán nhưng mỗi cuốn lại viết khác nhau. Thậm chí tại các chùa Phật giáo viết cũng không thống nhất. Vậy xin ông cho biết cách viết thế nào là đúng và cho biết thêm về xuất xứ và ý nghĩa của nó.
(Lại Văn Hải - TP. Hồ Chí Minh)
Học giả Nguyễn Quảng Tuân trả lời:
Chữ 卐 hoặc 卍 trong Kinh truyện không có, chỉ có trong Thích tạng thôi. Nếu gọi là chữ thì cũng không đúng vì hình ấy chỉ là một tướng biểu thị sự tốt lành lưu truyền ở Ấn Độ, Phật giáo, Bà la môn giáo, Kỳ na giáo mà tiếng Phạn gọi là Svastika hoặc Swastika.
Quyển Hoa nghiêm âm nghĩa cho rằng đến năm Trường Thọ thứ II đời Chu mới làm khuôn chế ra chữ này và chú âm là VẠN với nghĩa là tập hợp vạn đức tốt lành, được công đức viên mãn và có thể coi là Cát tường hải vân tướng.
Quyển Nhật – Anh Phật giáo từ điển (Daitô Shuppansha, 1965) chỉ dùng một từ Svastika thôi và dịch là Manji 萬 字 với nguyên nghĩa là cái xoáy trên ngực của thần Vishnu và thần Krishma. Tương truyền rằng, Phật Thích Ca khi sinh ra cũng có cái xoáy như vậy ở ngực. Đó là biểu tượng của cát tường 吉 祥 hay cát triệu 吉 兆.
Người Ấn Độ đã biết đến biểu tượng Svastika từ thời rất xa xưa. Đó cũng là biểu tượng của lửa (agni) tức như biểu tượng của sự xoay vòng, sự chuyển động vĩnh cửu, của ánh sáng vĩnh cửu.
Bên Trung Quốc, người ta biết đến chữ VẠN 卐 kể từ khi Phật giáo được du nhập vào. Kinh Lăng nghiêm có nói đến Phật tâm ấn tức chữ VẠN ở trên ngực của Đức Phật. Chữ VẠN này chính là biểu tượng của Pháp luân ngụ ý nói đến định luật về Nghiệp (Karma) và vòng luân hồi bất tận.
Một điều cần nói thêm là Svastika không phải là biểu tượng riêng của Phật giáo mà là biểu tượng của rất nhiều nền văn hóa và tôn giáo khác nhau. Lại nữa Svastika, dấu chữ thập ngoặc của Hitler không liên quan gì đến chữ VẠN 卐 của Phật giáo mà chỉ liên quan đến Svastika của người Aryan. Khái niệm “Người Aryan” đã bị những kẻ theo chủ nghĩa dân tộc quá khích biến tướng thành khái niệm “Chủng tộc Aryan”, cho rằng chủng tộc này là chủng tộc Đức hơn hẳn các chủng tộc khác.
Đến những năm 1920, chủ nghĩa Đức quốc xã đã nâng lý thuyết “Chủng tộc Aryan” lên đến mức cực kỳ phản động, coi “Chủng tộc Aryan là chủng tộc thượng đẳng” có quyền thống trị thế giới. Và Hitler đã chọn Svastika xoay nghiêng tức “chữ thập ngoặc” làm biểu tượng của Đức quốc xã.
Nhưng thực ra, Svastika là một biểu tượng cổ, xưa nhất mà người ta đã sử dụng. Nó đã được tìm thấy trong các công trình kiến trúc thuộc nền văn hóa Byzantine – nền văn hóa thuộc khu vực Biển Đen và Địa Trung Hải – kéo dài thừ thế kỷ thứ 7 trước CN đến tận thời Trung cổ. Dấu vết Svastika cũng còn tìm thấy trong các đền đài thuộc nền văn hóa Celtic, có xuất xứ từ Tây và Trung Âu khoảng 1.000 năm trước CN và đã ảnh hưởng khắp châu Âu.
Vì đã trải qua cả hàng ngàn năm, nên Svastika đã được biết đến ở khắp cả Âu và Á châu. Trong nghệ thuật của người Hindu, biểu tượng Svastika có các dấu chấm trong các cung góc nhưng Svastika của Ấn giáo thì lại không có. Trong các kinh Phật viết bằng Hán tự, chữ 卐 VẠN cũng không có dấu chấm nhưng lại được ghi bằng hai biểu tượng khác nhau: Một biểu tượng ghi chữ 卐 xoay về bên phải và một biểu tượng ghi chữ VẠN 卍 xoay về bên trái.
Một số từ điển như Từ Hải, Từ nguyên, Chinese – English Dictionary (của Mathew, Thượng Hải – 1931), Japanese – English Buddhist Dictionary (Daito Shuppansha - 1965), A Dictionary of Chinese Buddhist Terms (Đài Loan – 1962), Petit Larousse (Grand format – 2006), Phật học từ điển (của Đoàn Trung Còn, Sài Gòn – 1963)… đã ghi bằng biểu tượng 卍 nhưng một số từ điển khác như Thiều Chửu, Từ điển Phật học Hán Việt (Giáo hội Phật giáo Việt Nam – Phân viện Nghiên cứu Phật học, Hà Nội – 1994) … lại ghi bằng biểu tượng 卐.
Trường hợp biểu tượng chữ VẠN 卐 xoay về bên phải có thể hiểu là tướng biểu thị sự tốt lành (cát tường), nó tượng trưng cho trí dũng. Trường hợp chữ VẠN 卍xoay về bên trái thì nó tượng trưng cho lòng từ bi của Đức Phật, chứ không ai lại lấy một biểu tượng có ý nghĩa xấu để tôn thờ bao giờ.
Trong sách 佛 學 群 疑 Phật học quần nghi (Đài Bắc – 1989), Hòa thượng 釋 聖 嚴 Thích Thánh Nghiêm có viết:
在 佛 教 不 論 右 旋 左 旋, 卍 字 均 係 用 來 表 徵 佛 的 智 慧 與 慈 悲 無 限. 旋 迴 表 是 示 佛 的 無 限 運 作,向 四 方 無 限 地 延 伸, 無 盡 地 展 現, 無 休 無 止 地 救 十 方 無 量 的 眾 生. 故 亦 無 須 執 著, 揣 摩 卍 字 形 相 的 表 現 是 右 旋 或 左 旋 了.
Tại Phật giáo bất luận hữu toàn tả toàn, 卍 tự quân hệ dụng lai biểu trưng Phật đích trí tuệ dữ từ bi vô hạn. Toàn hồi biểu thị thị Phật đích vô hạn vận tác, hướng tứ phương vô hạn địa duyên thân, vô tận địa triển hiện, vô hưu vô chỉ địa cứu thập phương vô lượng đích chúng sinh. Cố diệc vô tu chấp trứ, sủy ma 卍 tự hình tướng đích biểu hiện thị hữu toàn hoặc tả toàn liễu.
(Trong Phật giáo, không luận là xoay sang phải hay xoay sang trái, chữ VẠN luôn tượng trưng cho trí tuệ quang minh và lòng từ bi vô hạn của Đức Phật. Xoay vòng tượng trưng cho Phật lực vận tác vô cùng, không ngừng không nghỉ, luôn cứu độ vô lượng chúng sinh trong mười phương. Cho nên không cần phải chấp nhất quá, thắc mắc hình chữ VẠN nên xoay sang phải hay xoay sang trái làm gì).
Chính vì lẽ đó mà ngày nay chữ VẠN được dùng theo cả hai hướng, phải cũng như trái ở trước ngực các tượng Phật và ở cách trang trí trong các chùa. Nếu chữ VẠN được đặt trên đỉnh mái thì khi nhìn từ bên ngoài vào sẽ là chữ 卐 xoay sang bên phải, nếu nhìn từ bên trong ra thì chữ 卍 lại xoay qua bên trái.
Quyển Từ điển Phật học Hán - Việt cho rằng chữ VẠN nếu để xoay sang bên trái là nhầm và trong quyển Phật học quần nghi Hòa thượng Thích Thánh Nghiêm cũng cho rằng:
在 近 代, 右 旋 或 左 旋, 時 有 爭 論, 而 大 多 數 都 認 為 右 旋 是 對 的, 左 旋 是 錯 的.
Tại cận đại, hữu toàn hoặc tả toàn, thì hữu tranh luận, nhi đại đa số đô nhận vi hữu toàn thị đối đích, tả toàn thị thác đích.
(Thời đại gần đây, chữ VẠN xoay phải hay xoay trái, vẫn còn là vấn đề tranh luận, nhưng mà phần lớn ý kiến đều cho xoay phải là đúng còn xoay trái là nhầm).
Chúng tôi cho rằng chữ VẠN xoay sang phải hay xoay sang trái đều được cả như Từ điển Petit Larousse (Grand format – 2006) khi định nghĩa Croix gammée (Swastika) đã cho rằng: “Croix dont les quatre branches se terminent en forme de gamma majuscule (┌ ). Elles peuvent être orientées vers la droite ou la gauche”.
(Chữ thập mà bốn nhánh tận cùng theo hình chữ gamma hoa (┌ ) của Hy Lạp. Các nhánh ấy có thể xoay sang phải hay sang trái đều được cả).
Chúng tôi cho ý kiến ấy là dung hòa vì nếu có tranh luận cũng không có bằng cứ gì đủ thuyết phục để theo hẳn về một bên nào.
--------------
Trên ngực của các tượng Phật, hay trên những trang kinh sách Phật giáo, ta thường thấy có chữ VẠN. Nhưng nếu để ý, ta sẽ thấy có hai lối viết khác hẳn: Một là “chữ vạn” hướng xoay theo chiều kim đồng hồ (lối viết A); hai là ”chữ vạn” xoay ngươc chiều kim đồng hồ (lối viết B).

Từ khi đức Phật ra đời, trên ngực đã có chữ “vạn”, biểu tượng tướng mạo phi phàm, có ý nghĩa là đại cát tường, phúc lộc viên mãn… Thế nhưng từ đó về sau, chữ vạn trong đạo Phật lại không thống nhất. Chúng ta hãy suy những điều sau đây, có thể hiểu được cách viết nào đúng:


Tuy thế người ta cũng thấy có lúc chữ VẠN của Hitler không nghiêng một góc 45 độ mà lại giống y hệt như hình chữ VẠN 卐 mẫu (A) đã nêu ở trên.


