Ngày đăng: 07:46:59 06-11-2014-- Lượt xem: 31873.
Kích cỡ chữ: Giảm - Tăng

Lẫn lộn trong y phục của cư sĩ và người xuất gia

Lẫn lộn trong y phục của cư sĩ và người xuất gia Lẫn lộn trong y phục của cư sĩ và người xuất gia đang cào bằng hình ảnh giới luật và mặc nhiên thừa nhận để cho nó tự phát triển. Người cư sĩ có y phục của người cư sĩ, Người xuất gia có pháp phục của mình tùy theo cáp độ khác nhau. Do sinh hoạt các tự viện phát triển rầm rộ dẫn đến các nhà kinh doanh pháp phục cứ thế mà may bừa, độ chế...rồi cứ thế mà tung tăng trên đường dài, ngõ phố. Hay ho gì chăng?
Cùng chuyên mục:
>> Văn Hóa Đạo Đức trong xã hội Việt Nam ngày nay
>> Truyền thông Phật giáo trước những vấn đề xuyên tạc của báo chí
>> GS Trần Lâm Biền: Bắt ức thần linh phải theo ý con người

----------
Người cư sĩ không được mặc đồ người tu
Hòa thượng Thích Thiện Tánh
, Trưởng ban Kiểm soát T.Ư Giáo hội Phật giáo Việt Nam (GHPGVN), Phó Trưởng ban Thường trực Ban Trị sự GHPGVN TP.HCM


Thưa hòa thượng, Giáo hội hiện nay có quy định gì về việc ăn mặc đối với người xuất gia?
Trong nội quy Ban Tăng sự trung ương của Giáo hội trong điều 48,49 chương X, vấn đề sắc phục tăng ni đã có quy định thống nhất sắc phục Tăng, Ni Phật giáo Bắc tông Giáo hội Phật giáo Việt Nam trong cả nước gồm 3 hình thức: Lễ phục, Giáo phục, Thường phục.
Trong đó Lễ phục là sắc phục của Tăng, Ni khi dự các buổi lễ của Đạo Phật. Giáo phục là sắc phục của Tăng, Ni không dùng trong các buổi lễ của Đạo Phật. Thường phục là lối ăn mặc gọn gàng, giản dị, tuy không theo hình thức giáo phục, nhưng vẫn giữ được sắc thái cá biệt của người xuất gia và đặc thù của Phật giáo Việt Nam (không đồng hóa cách ăn mặc thông thường của xã hội).

Về Lễ phục: Tăng, Ni từ hàng Giáo phẩm (PV - những vị có chức danh) đến thành phần Đại chúng (PV - các vị tăng ni trẻ nói chung) hình thức lễ phục gồm có: Tỳ Kheo (PV – Tăng (nam)) mặc hậu màu vàng tay rộng (không quá 80 phân), y màu vàng. Tỳ Kheo Ni(PV – Ni (nữ))  mặc hậu lam tay rộng (không quá 80 phân), y màu vàng. Sa di (PV- Tăng) mặc hậu màu lam tay rộng (không quá 30 phân), mạn y màu vàng. Sa di Ni, Thức xoa ma na (PV – Ni): Áo tràng màu lam rộng tay (không quá 30 phân), mạn y màu vàng. Thành phần Tịnh nhơn (PV-người mới vào tu cả nam và nữ chưa thọ giới) hình thức lễ phục chỉ dùng áo tràng màu lam hoặc màu nâu tay hẹp.

Về Giáo phục: Tăng, Ni hàng Giáo phẩm, giáo phục gồm có: Tăng mặc áo tràng màu nâu, hoặc màu vàng sậm, tay rộng không quá 30 phân. Ni mặc áo tràng màu lam, tay rộng không quá 30 phân. Tăng, Ni thuộc thành phần Đại chúng, giáo phục gồm có: Tỳ Kheo mặc áo tràng màu nâu tay rộng không quá 30 phân, Tỳ Kheo Ni mặc áo tràng màu lam, tay rộng không quá 30 phân. Sa di mặc áo nhựt bình màu nâu, tay rộng không quá 20 phân. Sa di Ni, Thức xoa ma na Ni mặc áo nhựt bình màu lam, tay rộng không quá 20 phân. Ni giới có chít khăn theo màu áo.

Về thường phục: Tăng, Ni thuộc thành phần Đại chúng có thể ăn mặc theo hình thức thường phục khi làm lao động tại hiện trường. Thành phần Tịnh nhơn chỉ được ăn mặc theo hình thức thường phục. Hình thức thường phục theo kiểu áo vạc hò: Màu sắc tùy nghi.
Hình thức thường phục được áp dụng chung cho Tăng, Ni các Hệ phái, nhưng tránh tình trạng xen lẫn giữa các Hệ phái với nhau. Các kiểu lễ phục, giáo phục trên chỉ dành cho Tăng Ni Bắc Tông, riêng Nam Tông và Khất sĩ có cách ăn mặc theo lối nhà sư không phải như trên. Sa Di của Khất sĩ vẫn được mặc y áo màu vàng, nhưng y thượng chỉ có hai miếng vải lớn ghép lại.

Vậy người Phật tử tại gia có được mặc đồ của người xuất gia không bạch Hòa thượng?
Hiện nay chưa có quy định cụ thể về sắc phục dành cho Phật tử tại gia đang tu học theo Phật giáo. Chỉ thực hiện ăn mặc theo nguyên tắc từ xưa đến nay. Theo đó áo lễ dành cho Phật tử tại gia mặc là áo tràng lam, còn thường phục thì bồ đồ áo nâu hay lam ngắn. Riêng Phật tử tại gia của hệ phái Khất sĩ thì áo lễ là áo giới trắng.
Vì đây là quy định truyền thống lâu nay nên người cư sĩ không nên mặc đồ của tu sĩ xuất gia. Nếu làm vậy dễ khiến người không biết đạo hay cộng đồng xã hội lầm tưởng thì sẽ có nhiều điều không tốt.
-------------------------
Bài phân tích của tác giả Quảng Kiến:
 
Biểu trưng của người xuất gia là “đầu tròn áo vuông”. Thế trừ tu phát - cạo bỏ râu tóc, là “đầu tròn”; áo vuông là chiếc y ca-sa (kasāya), với nhiều mảnh vải ghép lại trông như thửa ruộng (nên cũng gọi là ‘phước điền y’).

Ngoài tấm y vàng truyền thống ra, người xuất gia Bắc truyền Việt Nam còn sử dụng tấm áo lam, áo nâu - là màu của khói hương, của vỏ cây, củ, rễ..., màu của “hoại sắc”, cho sinh hoạt thường ngày.

Mặc dù chiếc y vàng mới thực sự là biểu tượng cao quý của người xuất gia, tuy nhiên, trong cuộc sống thường ngày, tấm áo nhật bình, vạt-hò, áo tràng xiên... vẫn là hình ảnh quen thuộc của người tu sĩ - “màu thiền áo mặc đã ưa nâu sồng” (Nguyễn Du). Do vậy, ở đây, “đồ tu” mà chúng tôi muốn đề cập đến gồm chiếc y vàng và cả những loại áo lam, áo nâu mà người tu thường dùng.

anh minh hoa11.jpg
Không có đồ trang sức nào đẹp bằng việc giữ giới đã phát nguyện thọ nhận... - Ảnh chỉ mang tính minh họa

Hẳn nhiên “chiếc áo không làm nên thầy tu”, song không ai phủ nhận rằng hình sắc cũng vốn rất quan trọng trong Phật giáo. Chiếc áo tu là biểu hiện của sự khiêm cung, giản dị, nhu hòa, bình đẳng, là sự nhắc nhở thường xuyên về chánh giới và phòng hộ các căn đối với những ai khoác lên mình tấm áo nhu hòa, giản dị mà tôn quý này.

Người tu mặc đồ tu và có trách nhiệm với biểu tượng ấy là điều không có gì phải nói. Vấn đề ở đây là người thế tục mặc đồ tu - vốn đã diễn ra từ xưa, mà nay dường như có phần “thịnh hành” hơn - nên thiết nghĩ cần phải có những ý nghĩ lạm bàn. Mục đích của bài viết này chính là đề cập đến vấn đề ấy.

Giả trang thiền tướng: hám danh, trục lợi

“Giả trang thiền tướng” là cụm từ thường xuất hiện trong kinh, luật Phật giáo. Đức Phật thường quở trách những vị Tỳ-kheo không lo tu tập, lại chăm chút hình tướng bên ngoài để mong được người đời tôn kính. Chuyện kể rằng, thuở mới xuất gia, Tôn giả Nan Đà thường đắp bộ y sáng chói và mang chiếc bình bát mới tinh đi khất thực nhằm thu hút sự chú ý của mọi người. Còn Tôn giả Ca Lưu Đà Di thì lại chăm bồi dưỡng thân thể cho béo tốt, đường bệ, uy nghiêm. Đức Phật quở trách các vị “giả trang thiền tướng”, chạy theo các dục mà không tu tập theo chánh giới.

Đó là trường hợp các vị Tỳ-kheo lúc chưa ý thức rõ mục đích của đời sống tu hành. Trường hợp khác, việc giả trang thiền tướng không phải là vị Tỳ-kheo mà là những kẻ thế tục ác hành. Kinh tạng Pali (Tiểu bộ kinh) có nêu hai trường hợp giả dạng, đều là những gã thợ săn. Jataka số 221 - Chuyện tấm y vàng, kể chuyện gã thợ săn ở thành Ba-la-nại chuyên mưu sinh bằng nghề săn ngà voi. Gã khoác tấm y vàng, giả trang thành vị Độc Giác Phật, núp bên vệ đường chờ đàn voi đi qua thì dùng binh khí giết con voi cuối đàn. Đến khi voi chúa phát hiện đàn voi ngày càng giảm thiểu, nghi có kẻ giả dạng tu sĩ sát hại, bèn cố tình đi sau cùng. Khi người thợ săn cầm binh khí xông ra, voi chúa (tiền thân Đức Phật) liền quay lại, đứng giương vòi ra và nghĩ: “Ta sẽ quật nó ngã xuống đất và giết nó!”. Nhưng khi thấy tấm áo vàng người ấy mặc, voi nghĩ: “Ta phải kính trọng biểu tượng của bậc A-la-hán mà nó lạm dụng để mặc”. Nhờ đó mà gã thợ săn không bị voi chúa quật chết. 

Tương tự như vậy, Jataka số 514 - Chuyện tượng vương ở hồ Chaddanta, kể chuyện về gã thợ săn vâng lời vị hoàng hậu ghen tuông, độc ác, đã băng rừng lội suối tìm giết voi chúa (tiền thân Đức Phật) nhằm lấy cặp ngà. Voi chúa trúng tên, gầm lên dữ dội, xông lại gã thợ săn định chà đạp gã. Nhưng “Voi chúa đã gần giết địch nhân / Vì chứng đau đớn hóa điên cuồng / Nhưng kìa! Ðôi mắt ngài vừa gặp / Biểu tượng thanh cao, chiếc áo vàng / Bộ áo tu hành bất khả phạm...”. Gã thợ săn do đó thoát chết nhờ chiếc áo vàng!

Đức Phật dạy: “Ai đầy những uế nhiễm / Lại mặc áo cà-sa / Tự mình không chế ngự / Không tôn trọng sự thật / Kẻ ấy không xứng đáng / Ðược mặc áo cà-sa”. Dù vậy, hiểu được sự “lợi hại” của chiếc y vàng mà người đời tôn kính, nhiều kẻ thế tục đã không màng đến luật nhân quả, không màng đến pháp luật (giả dạng người khác) hay đạo đức làm người, bôi nhọ chiếc y vàng - biểu tượng tôn quý của Phật giáo, đã ngang nhiên khoác y, cầm bát nghênh ngang ngoài đường cầu xin vật phẩm (và cả tiền bạc). Nhiều người nhầm tưởng họ là tu sĩ khất thực, nên đã tôn kính cúng dường, dù trong lòng cũng không khỏi hồ nghi vì sự “khác thường” trong oai nghi của họ. Những kẻ giả dạng tu sĩ này đã làm xấu đi hình ảnh những hành giả khất sĩ chân chính, đến nỗi Giáo hội phải ra quyết định tạm ngưng việc khất thực của chư Tăng - vốn là một truyền thống cao đẹp của Phật giáo. Và, có vẻ đây là một hiện tượng “nan giải” ở nước ta, qua nhiều năm vẫn chưa giải quyết triệt để!

Trên đây là việc giả dạng tu sĩ của những người thế tục hám lợi thông thường. Việc làm này nguy hại, song có lẽ chưa nguy hại bằng việc một người tự nhận mình là cư sĩ (trong Phật giáo, cư sĩ - kulapati - thường chỉ cho những cận sự nam, nữ tu hành theo pháp Phật nhưng vẫn giữ đời sống thế tục), đã cạo đầu, mặc đồ nâu sồng, ngồi trong tư thế thiền định để chụp hình với một cô người mẫu... khỏa thân. Loạt ảnh gọi là “tác phẩm nghệ thuật” này được đặt tên là “Thoát (nude để thiền)” vô cùng phản cảm lại liên quan đến hình ảnh của Phật giáo, đã bị cộng đồng mạng chỉ trích dữ dội. Hay như hiện tượng “đạo sư” tự phong Duy Tuệ mượn khái niệm Phật giáo để lập thuyết, in ấn sách vở, xuyên tạc Phật pháp vẫn tồn tại bấy lâu nay dưới vỏ bọc được gọi “Thiền minh triết”… 

Vấn đề là “thiền sư”, “đạo sư” giả dạng trong các trường hợp này bị nhiều người hiểu nhầm là tu sĩ Phật giáo, một phần cũng do cách dùng từ mập mờ, câu khách của nhiều tờ báo!

Mặc đồ tu vì một ý muốn tốt lành: Cẩn trọng!

Thực ra, vấn đề chúng tôi muốn bàn đến trong bài viết này không phải là hiện tượng “giả trang thiền tướng”, mà là về việc người cư sĩ ưa mặc đồ tu, đã trở nên một hiện tượng khá phổ biến trong thời gian gần đây. Công bằng mà nói, đây là một hình ảnh đẹp, một ý muốn thuần thiện của người cư sĩ khi họ khoác lên mình bộ đồ tu - có thể là bộ đồ lam thanh nhã hay bộ đồ nâu giản dị. Giản dị là một nét đẹp của Phật giáo. 

Một nam thanh, nữ tú khoác lên mình chiếc áo tu không khiến họ xấu đi, mà ngược lại, họ trở nên đẹp đẽ một cách lạ thường. Cho nên hiện nay, không chỉ có những vị cư sĩ già mới mặc đồ tu, mà nhiều chàng trai, cô gái, và cả những em nhỏ cũng thích mặc đồ tu khi đến chùa. Mặc quen đâm “ghiền” - một phần cũng do sự thoải mái, nhẹ nhàng mà bộ đồ tu đem lại - nhiều người đã mặc bộ đồ này trong những sinh hoạt thường ngày. Và, chính điều đó đã đem lại những sự hiểu lầm đáng tiếc.

Tôi có một người bạn ưa cạo tóc và thích mặc áo nâu sồng. Một hôm, anh ta đi chợ với vợ, thoáng nghe người ta xì xầm “Coi, thầy chùa mà đi với... gái kìa!”. Trường hợp khác, một chàng trai mặc đồ vạt-hò, chở cô bạn đi ngoài phố. Rất nhiều ánh mắt tò mò hướng về anh ta, có lẽ họ hoài nghi, không biết dưới cái nón bảo hiểm kia có phải là chiếc đầu trọc (vì anh ta cắt tóc rất ngắn!). 

Lại một trường hợp nữa, một cô Phật tử vốn là giáo viên dạy múa. Một hôm, dạy về trễ, chị vội vàng khoác bộ đồ lam đến chùa tụng kinh mà chưa kịp tẩy trang. Đến giao lộ đèn đỏ, có người nhìn chị, thốt lên: “Trời, bà ni-cô mà trang điểm kìa!”. Lạ là chị để tóc nhưng người ta vẫn cứ hiểu lầm, tất cả chỉ vì bộ đồ tu mà chị đang mặc!

Cách đây không lâu, tại một ngôi tịnh xá ở Tây Nguyên rộ lên việc “nhà sư hiếp dâm một tín nữ”. Báo chí thi nhau đăng tải tin “hot” - giựt gân, tạo nên một làn sóng phẫn nộ trong cộng đồng. Nhưng thực chất, “nhà sư” đó chỉ là một cư sĩ, trước đó mong muốn được xuất gia nhưng không được chấp thuận, anh ta cũng cạo tóc, mặc đồ tu, ở chùa công quả và do làm “ác hành” nên gây ra sự hiểu lầm tai hại.

Những chuyện hiểu lầm bi hài như thế kể hoài cũng không hết. Ở đây, chúng tôi chỉ muốn nêu lên ý nghĩ rằng, người cư sĩ, hễ khoác lên mình bộ đồ tu, thì phải ý thức được rằng mình đang là một hành giả tu Phật, đang đại diện cho một tôn giáo đề cao chánh giới, sự nhu hòa, nhẫn nhục và giải thoát; do đó, mọi ý nghĩ, hành động phải thật cẩn trọng, tránh gây sự hiểu nhầm rằng “người xuất gia” mà làm những việc không thích hợp, không giữ gìn phạm hạnh. Nếu không, việc mặc đồ tu không những không có ích lợi mà còn vô tình gây ra tội lỗi, tội cho người xuất gia.

Trong Phật giáo, không có pháp phục nào cao quý bằng Chánh định; không có đồ trang sức nào thơm bằng việc trì giới. Nên, dù là người xuất gia hay tại gia, cũng đều nên tâm niệm: “Hằng dụng giới hương đồ vinh thể / Thường trì định phục dĩ tư thân / Bồ đề diệu hoa biến trang nghiêm / Tùy sở trú xứ thường an lạc” (Lấy giới làm hương phấn để thoa thân. Dùng định làm áo mặc hàng ngày. Đem hoa báu bồ-đề mà trang nghiêm khắp cả. Thì dù ở đâu cũng cảm thấy an lạc).

Quảng Kiến

 

Thông tin Phật giáo
Liên hệ Phật giáo
Thống Kê Truy Cập
Flag Counter

thongke926220
Tổng số lần truy cập : 926220
Số lần truy cập hôm nay : 51
Số lần truy cập hôm qua : 99
Số lần truy cập tháng này : 4538
Số lần truy cập năm nay : 38625
Số trang xem hôm nay : 218
Tổng số trang được xem : 13736716
Người đang online : 2
thiết kế website tại buôn ma thuột
Copyright © 2014 Bản quyền thuộc về Vô Lượng Công Đức. Có tích hợp giao diện cho mobile